Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đang đến rất gần. Để bứt phá điểm số môn Toán trong kỳ thi vào 10, học sinh lớp 9 cần tránh 5 sai lầm hay gặp dưới đây!
Môn Toán là một trong môn thi bắt buộc phải có trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, bên cạnh đó, ở nhiều tỉnh/ thành phố đây còn là môn thi được nhân hệ số 2 nên nó có ảnh hưởng rất lớn tới kết quả thi vào 10 của học sinh lớp 9. Dưới đây Dream Light chỉ ra 5 lỗi sai cần tránh khi làm bài thi môn Toán, học sinh 2k7 tham khảo ngay nhé!
Đọc đề bài không kỹ
Trong khi thi, nhiều bạn học sinh thường có tâm lý lo lắng, căng thẳng, đôi khi còn do chủ quan nên không đọc kỹ đề bài, không gạch chân dưới những từ khóa quan trọng để giải quyết vấn đề. Vậy nên, học sinh thường tính toán sai dẫn đến sai một phần hoặc sai cả bài. Thậm chí, có những câu hỏi có liên quan đến kết quả của câu trước khiến nhiều em bị mất rất nhiều điểm trong bài thi vào 10.
Để tránh xảy ra tình trạng này, các bạn học sinh nên bình tĩnh đọc kỹ đề bài, gạch chân dưới những từ, cụm từ quan trọng trong câu hỏi để biết được vấn đề cần giải quyết. Bên cạnh đó, khi làm bài các bạn cần cẩn thận, làm chậm mà chắc còn hơn làm nhanh nhưng ẩu.
Không đặt điều kiện
Bài toán liên quan đến phương trình là một trong những câu hỏi thường xuyên xuất hiện trong đề thi vào 10. Để giải được bài tập này, học sinh cần phải đặt điều kiện để loại nghiệm. Thế nhưng, vì quên nên nhiều em đã bỏ qua bước này dẫn đến khi tính toán có thể thừa giá trị, đáp số có thể chưa chính xác và mất điểm từng phần một. Vậy nên, khi đi thi, các bạn cần chú ý rằng mỗi khi đặt biến số thì luôn phải nghĩ đến điều kiện của biến, khi giải ra được nghiệm thì phải nghĩ đến so sánh với điều kiện.
Bên cạnh đó, học sinh còn thường thiếu tập xác định, đặt điều kiện hay loại nghiệm khi giải các bài toán liên quan đến căn thức hay biến số ở dưới mẫu. Cho nên, kết quả tính toán thường sai hoặc kết luận sai giá trị của nghiệm. Để giải quyết tình trạng này, học sinh luôn phải để ý kiểm tra điều kiện phù hợp của nghiệm so với điều kiện trước khi kết luận nghiệm của bài toán. Thêm vào đó, để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi chuyển cấp quan trọng thì học sinh cần luyện tập nhiều để tạo thói quan và phản xạ khi giải các dạng bài tập này.
Nhớ nhầm công thức, nhầm định lý
Đây có lẽ là lỗi sai mà nhiều học sinh hay mắc phải nhất. Nguyên nhân có thể do học sinh thường học thuộc lòng công thức và định lý mà không áp dụng thường xuyên để giải bài tập hoặc không kiểm tra lại công thức khi làm bài nên dẫn đến không tìm được lời giải, kết quả bài toán sai. Vậy nên, các bạn học sinh không đạt được điểm tối đa.
Theo thầy Hưng, các kiến thức cơ bản trong toán học lớp 9 bao gồm không nhiều các định nghĩa, tính chất, định lý nên đòi hỏi học sinh chủ động học và nhớ lý thuyết. Tuy nhiên, các bạn nên biết cách vận dụng các tính chất, định lý này vào để giải bài toán cụ thể thì mới có thể nhớ để đi thi làm bài tốt được.
Trình bày không rõ ràng
Nhiều em có tư duy Toán không giống như Ngữ văn, không cần phải có văn phong rõ ràng mà chỉ cần viết đúng công thức để cho ra đúng đáp án là được. Tuy nhiên, sự thật là nếu các bạn viết ẩu, trình bày không rõ ràng, mạch lạc, các con số, ký hiệu không được viết chỉn chu thì rất dễ gây nhầm lẫn cho người chấm. Ngoài ra, nhiều em không chịu lập luận, giải thích mà chỉ viết mỗi công thức, đáp án ra tờ giấy thi nên không được điểm cao.
Để khắc phục tình trạng này, các bạn học sinh cần chú ý khi làm bài thì hãy lập luận chặt chẽ vấn đề, câu chữ, công thức được viết rõ ràng, mạch lạc, logic với nhau thì người chấm sẽ không bị nhầm và cho sai điểm bài thi của bạn.
Sắp xếp thời gian không hợp lý
Đối với bất kỳ môn thi nào, việc sắp xếp thời gian hợp lý là vô cùng quan trọng quyết định bạn có thể giành được điểm số cao cho bài thi hay không. Bởi lẽ, việc sắp xếp thời gian sẽ giúp bạn không bỏ sót câu dễ và có thời gian làm câu khó để lấy điểm tuyệt đối.
Trước mỗi bài thi, giám thị đều cho các bạn học sinh vài phút để đọc đề. Các bạn học sinh nên tận dụng thời gian này để đánh dấu những câu dễ và câu khó. Sau đó, dựa trên tổng số thời gian của bài thi môn đó mà chia đều thời gian cho từng câu. Các bạn nên nhớ làm câu dễ trước nhưng không được làm ẩu, làm câu khó sau nhưng phải căn đủ thời gian nếu không khi chưa kịp hoàn thành bài thi thì giám thị đã thông báo thu bài.