Rất nhiều phụ huynh quan tâm đến phương pháp dạy học toán ở tiểu học có gì thay đổi so với chương trình học cũ trước đây. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này và có định hướng phát triển tư duy toán học cho con tốt nhất.
Đôi nét về nội dung môn Toán tiểu học hiện nay
Bắt đầu từ năm 2018, Bộ Giáo dục đã có nhiều văn bản quy định việc điều chỉnh dạy và học toán cho độ tuổi học sinh tiểu học. Cụ thể, trong Thông tư 32/2018/TT – BGDĐT ngày 26/12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định về việc tổ chức dạy và học Toán tiểu học chia làm 2 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn giáo dục cơ bản: Đây là thời điểm trẻ bắt đầu làm quen với Toán học với các khái niệm, công thức cơ bản để trẻ hiểu căn bản và ứng dụng Toán học trong cuộc sống thực tiễn.
- Giai đoạn giáo dục định hướng: Thời điểm này cần đổi mới phương pháp dạy học toán ở tiểu học, giúp trẻ hiểu về vai trò toán học, ứng dụng toán trong các định hướng nghề nghiệp sau này. Trẻ cần có năng lực toán học để tự tìm hiểu, giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực toán học kể cả trong sách vở và cuộc sống.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng các nội dung toán học trong sách vở cũng nên được nghiên cứu, rút gọn lý thuyết và đề cao tính ứng dụng thực tế hơn. Ngoài ra, dạy học toán ở tiểu học cũng cần chú ý tích hợp các nội dung cơ bản bao gồm: số và đại số, thống kê và xác suất, hình học và đo lường
Phương pháp dạy học toán ở tiểu học cần kết hợp học lý thuyết đi với thực hành. Trẻ cần được tổ chức và tham gia các trải nghiệm tự sáng tạo đề toán, học và chơi cùng câu lạc bộ toán học, thi toán học, thậm chí khuyến khích trẻ tham gia các dự án ứng dụng môn Toán trong đời sống….
Chương trình giáo dục toán tiểu học mới đề cao cải thiện kiến thức toán học và tư duy sáng tạo của trẻ để hướng tới mục đích giúp trẻ thực hành áp dụng kiến thức vào cuộc sống tốt nhất. Thầy cô và phụ huynh có thể tham khảo thêm các giáo trình phương pháp dạy học toán ở tiểu học như: Giáo trình thực hành phương pháp dạy học toán ở tiểu học, Hướng dẫn dạy học môn Toán tiểu học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, Dạy học phát triển năng lực môn Toán tiểu học… để hiểu rõ hơn.
Tổng hợp các phương pháp dạy học toán ở tiểu học truyền thống và hiện đại
Phương pháp dạy học truyền thống môn Toán tiểu học
Dạy học Toán theo phương pháp truyền thống trước đây thường áp dụng kết hợp các phương pháp dưới đây:
Phương pháp thuyết trình
Thuyết trình là phương pháp sử dụng lời nói để diễn giải, bình luận, trình bày cho học sinh. Phương pháp này thường dùng để giảng các kiến thức mới, giải toán hoặc hệ thống kiến thức phục vụ ôn tập các chương, các phần. Ưu điểm của phương pháp thuyết trình là trình bày nội dung kiến thức lớn trong thời gian ngắn, giúp giáo viên có thể chủ động kế hoạch học tập và điều chỉnh thời gian học.
Khi sử dụng phương pháp thuyết trình trong việc dạy học Toán cho học sinh tiểu học, giáo viên cần có lập luận khoa học, dễ hiểu, diễn đạt theo hệ thống để học sinh có thể nghe, hiểu và thực hành tốt.
Mặc dù vậy, phương pháp thuyết trình cũng tồn tại nhiều nhược điểm như: học sinh tiếp cận kiến thức thụ động vì thông qua lời nói của giáo viên, học sinh dễ bị nhàm chán trong tiết học. Hiện nay, phương pháp thuyết trình ít được khuyến khích sử dụng trong dạy toán tiểu học. Nếu bắt buộc phải sử dụng, giáo viên nên kết hợp với các phương pháp khác, hoặc dành thời gian ít nhất trong tiết học.
Phương pháp giảng giải minh hoạ
Đây là phương pháp vừa kết hợp sử dụng lời nói để diễn giải nội dung vừa sử dụng các hình minh họa, biểu đồ… để học sinh hiểu vấn đề. Phương pháp này mang lại lợi ích là kích thích hứng thú học tập của học sinh, giúp học sinh tập trung, hiểu và ghi nhớ kiến thức tốt hơn. Tuy nhiên, khi áp dụng phương pháp giảng giải minh họa trong dạy học toán ở tiểu học, giáo viên cần chú ý rút ngắn kiến thức và phần minh họa nhiều hơn. Phương pháp này cũng còn khiếm khuyết là học sinh bị thụ động, chưa phát huy được tính chủ động trong tiết học.
Phương pháp gợi mở vấn đáp
Phương pháp gợi mở vấn đáp là cách diễn đạt kiến thức nhưng không hoàn chỉnh, gợi mở để trẻ có thể tự tìm hiểu bài học. Phương pháp này chủ yếu sử dụng những câu hỏi tích hợp, gợi mở vấn đề để học sinh tự tìm hiểu và đi đến các kết luận chuẩn. Phương pháp này mang lại nhiều lợi ích, rất thích hợp trong việc dạy toán ở bậc tiểu học bởi mang lại bầu không khí sôi nổi, kích thích trí tò mò, ham muốn học hỏi của trẻ. Đồng thời, thông qua việc tự đi tìm câu trả lời, trẻ cũng tự tin hơn, khả năng diễn đạt ngôn ngữ và tư duy tốt hơn. Ngoài ra, phương pháp gợi mở cũng giúp trẻ tiếp thu kiến thức nhanh và ghi nhớ lâu hơn. Ngoài các phương pháp phổ biến trên, ở bậc tiểu học cũng còn 2 phương pháp quen thuộc nữa là thực hành luyện tập và phương pháp trực quan.
Đánh giá về các phương pháp dạy học môn Toán truyền thống, các chuyên gia cho rằng vẫn còn tồn tại nhiều mặt hạn chế như:
- Dạy học truyền thống chủ yếu trang bị các kiến thức có sẵn trong sách giáo khoa, làm học sinh tiếp thu kiến thức 1 chiều.
- Dạy học toán vẫn còn mô tả chung chung.
- Chú trọng đến điểm số và thành tích mà bỏ qua mức độ học và hiểu của trẻ.
- Học sinh ít được thực hành, kiến thức chưa gắn liền với thực tiễn, tiếp thu thụ động.
- Nội dung dạy và học toán theo bố cục kiến thức có sẵn trong sách giáo khoa khiến giáo viên và học sinh chưa phát huy được năng lực cá nhân.
- Trong quá trình giảng dạy, thầy cô là trung tâm làm hạn chế năng lực sáng tạo và tư duy của học sinh.
- Dạy học chủ yếu ở trên lớp, ít thời gian thực hành, bài tập chủ yếu giao về nhà.
Do tồn tại nhiều mặt hạn chế nên phương pháp dạy học Toán ở bậc tiểu học hiện nay đã được thay đổi nhiều nhằm phát huy tính sáng tạo và tư duy của trẻ.
Phương pháp dạy học tích cực môn Toán hiện nay
Giáo dục hiện nay lấy học sinh làm trung tâm của giảng dạy, đề cao tính tự học, tự sáng tạo và tư duy toán học tích cực của trẻ. Vì vậy, phương pháp dạy học tích cực môn Toán hiện nay lấy học sinh là chủ điểm, đồng thời hỗ trợ áp dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống, giúp trẻ tự giải quyết các vấn đề toán học trong cuộc sống hàng ngày.
Cụ thể, nội dung dạy học tích cực môn Toán ở tiểu học kết hợp các phương pháp dạy như sau:
- Phương pháp gợi mở vấn đáp: Giáo viên chỉ là người gợi ý kiến thức, học sinh là người tự giải quyết, tìm hiểu, tư duy để tìm ra kiến thức chuẩn nhất. Phương pháp này được đề cao bởi góp phần tạo không khí sôi nổi của lớp học, giúp trẻ ham học, rèn luyện khả năng diễn đạt ngôn ngữ và sự tự tin.
- Phương pháp trực quan: Giáo viên tổ chức các hoạt động trong lớp học, sử dụng các sự vật cụ thể, hình vẽ minh họa để giúp trẻ tư duy trừu tượng toán học tốt hơn.
- Phương pháp thực hành luyện tập: Điều chỉnh thời gian thực hành, làm bài tập lên khoảng 50% giờ học. Áp dụng phương pháp này thường xuyên sẽ giúp trẻ nắm bắt được kiến thức, thực hành và hiểu bài tốt hơn.
- Phương pháp phát hiện và giải quyết vấn đề: Giáo viên có thể tham khảo tổ chức các tình huống giúp học sinh tự phát hiện vấn đề, chủ động và tự giác giải quyết vấn đề đó. Thông qua hoạt động này, học sinh hiểu bài, làm bài và rèn luyện tư duy tốt.
- Phương pháp kiến tạo: Giáo viên gợi mở để học sinh có thể giải quyết các tình huống nảy sinh bằng những kiến thức đã học. Phương pháp này giúp trẻ ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn, hình thành năng lực giải quyết các vấn đề toán học trong cuộc sống.
Ưu điểm của phương pháp dạy học toán phát triển năng lực được đánh giá như sau:
- Giúp trẻ phát triển năng lực tập trung, tự giác học, hình thành phẩm chất, kĩ năng thực hành cho trẻ.
- Ngoài việc bổ sung kiến thức, phương pháp dạy toán tích cực còn chú trọng đến thái độ, khả năng tự giải quyết vấn đề của trẻ, giúp trẻ thực hành tư duy toán học trong đời sống.
- Trẻ có kết quả học tập tốt hơn, hiểu bài hơn và tự ứng dụng toán học vào cuộc sống thực tiễn tốt hơn.
- Nội dung của phương pháp dạy học tích cực môn Toán vẫn bám sát kiến thức sách giáo khoa nhưng xây dựng các tiết học thực hành nhiều hơn, gắn liền với thực tiễn hơn.
- Thầy cô, bố mẹ chỉ là người định hướng cho trẻ, còn việc học là do trẻ chủ động phân tích, tư duy để có thể giải quyết các bài toán của bản thân.
- Phương pháp dạy học tích cực kết hợp đa dạng các trải nghiệm hoạt động thực hành ngoại khóa, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong giảng dạy….
- Học sinh dễ dàng nắm được kiến thức, phát triển năng lực tính toán và ứng dụng dễ dàng vào thực tiễn.
Phương pháp dạy học tích cực môn toán ở Tiểu học được sử dụng phổ biến trong trường học. Phương pháp này giúp tăng tính chủ động học tập của trẻ, ứng dụng kết hợp các năng lực tư duy phân tích, khái quát vấn đề, so sánh… để trẻ tự học, tự làm bài theo độ hiểu biết của bản thân. Đồng thời, dạy học tích cực môn Toán ở tiểu học cũng góp phần tạo kết nối nhóm, tăng thời gian thảo luận nhóm để trẻ rèn luyện khả năng tương tác và rèn luyện trong môi trường tập thể. Giáo viên và phụ huynh nên là những người đồng hành, hỗ trợ, dẫn dắt để trẻ tìm hiểu vấn đề và tự do sáng tạo.
Phụ huynh học toán cùng trẻ
Chương trình dạy và học toán ở tiểu học đã có rất nhiều đổi mới. Để trẻ học tốt hơn, phụ huynh cũng cần tìm hiểu và hỗ trợ trẻ học tại nhà. Dưới đây là một số bí quyết hay phụ huynh có thể áp dụng:
Tổ chức các hoạt động dạy học toán cùng trẻ
Bố mẹ nên cùng trẻ tham gia các hoạt động tính toán trong cuộc sống hàng ngày, thậm chí có thể khuyến khích trẻ tham gia các cuộc thi toán online phù hợp với độ tuổi. Trẻ cũng có thể tham gia các câu lạc bộ toán học, hoạt động nghiên cứu toán học nhí…. Việc làm này sẽ giúp trẻ chủ động ôn luyện kiến thức, phát triển các năng lực cần thiết như khả năng sáng tạo, tư duy, làm việc nhóm….
Hoạt động tương tác và hợp tác trong học toán cùng trẻ
Phụ huynh nên chú ý tính tương tác 2 chiều giữa bản thân và trẻ để trẻ được phép tranh luận, phản biện vấn đề toán học. Phương pháp này giúp trẻ hình thành năng lực ngôn ngữ tốt, tư duy phản biện, tự tin, mạnh dạn thể hiện quan điểm cá nhân. Phụ huynh nên lắng nghe, giải thích và gợi mở để trẻ phân tích, kết luận vấn đề đúng. Bố mẹ có thể đưa một bài toán sai, hoặc giải toán sai xem trẻ có phát hiện đúng không. Thông qua cách dạy phản biện, trẻ sẽ phát huy được điểm mạnh là sự tự tin, nhìn nhận vấn đề nhưng bố mẹ nên tránh để cuộc tranh luận trở thành tranh cãi. Phụ huynh hãy đóng vai trò là người hỗ trợ, đồng hành cùng trẻ học.
Khuyến khích trẻ tự học nhiều hơn
Phụ huynh không nên tự làm bài tập cho trẻ mà nên để trẻ tự làm bài. Ngay cả các vấn đề trong đời sống cũng nên khuyến khích trẻ tự giải quyết. Với một bài toán khó, bố mẹ có thể gợi mở các hướng làm bài, sau đó để trẻ tự giải toán. Điều này giúp trẻ nhớ kiến thức và phát huy khả năng nhận thức, phân tích, tư duy.
Tự đánh giá và cùng điều chỉnh việc học phù hợp nhất cho trẻ
Phụ huynh ngoài việc xem xét điểm số trên trường học cũng nên có thời gian thử gợi mở để trẻ tự làm một bài toán, hoặc trò chuyện với con về những điều khó khăn, vướng mắc trong việc học. Việc trao đổi với con vừa gắn kết tình cảm gia đình, vừa giúp trẻ tự biết vấn đề đang nằm ở đâu và phụ huynh hỗ trợ trẻ giải quyết khó khăn đó.
Cùng trẻ học toán với gắn kết thực tiễn
Việc học phải gắn với cuộc sống, giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Vì vậy, phụ huynh không nên ép trẻ làm bài tập sách vở quá nhiều mà nên cho trẻ tham gia các hoạt động như: mua sắm ở siêu thị, đi chợ, chơi trò mua bán hàng… giúp trẻ tính toán tốt hơn.
Trên đây là tổng hợp các phương pháp dạy học môn Toán ở tiểu học giúp thầy cô và phụ huynh định hướng giúp trẻ học Toán tốt nhất. Mong rằng phụ huynh cũng có thêm các thông tin dạy và học toán mới nhất để điều chỉnh và giúp trẻ học toán phù hợp với định hướng mới.